Hồi đó còn khó khăn, bánh mứt không được bán nhiều như bây giờ. Hầu như tất cả các món ăn, đặc biệt là món mứt hoặc bánh oản, đều phải tự làm. Để làm mứt dừa, trước tết Nguyên đán khoảng nửa tháng, tôi cùng mẹ hái dừa khô, xắt cơm dừa thành từng miếng hoặc từng sợi mỏng và sên trong chảo, đảo đều cùng đường cát trắng.
Muốn sợi mứt có nhiều màu sắc bắt mắt thì pha màu bằng nguyên liệu tự nhiên, có sẵn trong vườn nhà. Chẳng hạn muốn sợi mứt có màu xanh lá thì cắt lá dứa, ép lấy nước trộn với dừa. Muốn sợi mứt có màu tím thì lấy lá cẩm, ép nước hòa với dừa. Còn ưng màu trắng thì cứ để nguyên. Vậy là có 3 màu mứt dừa xanh, tím, trắng để mời khách và thưởng thức trong mấy ngày xuân.
Để vị giác thăng hoa với 4 vị chua cay mặn ngọt, không món nào vượt qua mứt me muối ớt. Nhà tôi ở làng Thái (có nhiều dân tộc Thái sinh sống), còn gọi là làng Me vì trong làng trồng rất nhiều cây me. Đến mùa, me cho trái lúc lỉu trĩu cành. Mùa xuân cũng là mùa me chín. Me chín hái chừng nửa ký về bóc vỏ, phơi 1 nắng cho ráo. 1 muỗng ớt bột, 2 muỗng muối, 1 chén đường cát trộn với nhau. Bột nếp mịn để nguyên.
Bắc chảo lên bếp, cho nửa chén nước đun sôi rồi cho nửa ký đường cát vào sên đến sánh, tiếp theo cho me bóc vỏ vào sên đều đến khi đường tan hết, ngả màu vàng đặc quánh cùng me. Sau đó, rắc đều bột nếp vào chảo và đảo liên tục thật nhanh. Tôi phụ mẹ đổ me vừa sên vào khay cho nguội rồi vo me thành những viên nhỏ như viên bi và thả vào tô hỗn hợp ớt bột, muối, đường. Thành phẩm trông thật hấp dẫn. Mứt me như viên bi có lớp đường cát lấp lánh phủ bên ngoài. Đưa vào miệng cắn một miếng, cảm giác ngon khó tả.
Còn một loại mứt khiến tôi vô cùng mê mẩn mỗi khi tết về: mứt chùm ruột. Đó là loại mứt bình dân ăn ngon mà khó bị “lỗi thời” bởi độ hấp dẫn và màu đỏ tươi đẹp mắt.
Cây chùm ruột không phải nhà nào cũng có. Mà có cây đến mùa chưa chắc có trái. Nên khi cây cho trái sum suê, tôi mừng lắm. Tôi hái trái chấm muối ớt còn mẹ tôi hái để sên mứt. Để cho ra 1 mẻ mứt chùm ruột cần khoảng 1,5kg đường cát trắng. 2kg chùm ruột cho vào khăn, vắt nước chua. Vắt xong, trộn đều chùm ruột với đường, để qua đêm cho đường tan, hôm sau bắc chảo lên bếp sên hỗn hợp cho đến khi nước đường cạn. Để lửa liu riu đến khi chùm ruột đặc quánh sền sệt, có màu đỏ tự nhiên. Món mứt này có vị chua ngọt, ăn hoài không ngán.
Những đứa trẻ chúng tôi hồi đó luôn thèm ngọt. Tôi ngồi cạnh bếp lửa, chờ chực, nuốt nước miếng liên tục mong mẹ cho nếm thử vài miếng. Trán mẹ lấm tấm mồ hôi, mắt mẹ nheo lại vì khói, tay mẹ cầm đôi đũa cả đảo đều. Thỉnh thoảng, mẹ gắp vài miếng mứt, thổi cho bớt nóng rồi đưa cho tôi. Với tôi, đó là những miếng mứt ngọt ngào nhất.
Chế biến mứt gừng thì đơn giản: ra vườn đào mấy củ gừng, rửa sạch xắt miếng mỏng, ướp đường và sên liu riu. Chế biến xong, gói mứt bằng giấy báo hoặc cho vào túi ni lông, đem làm quà biếu nội ngoại mỗi thứ một chút để ăn lấy thảo, còn lại để dành tới tết đãi khách. Mẹ tôi bảo quản mứt rất kỹ. Mẹ cho tất cả các loại mứt vào cái giỏ mây và treo trên một sợi dây ở trần nhà vì hồi đó nhà tranh vách nứa, nếu không treo trên trần nhà, lũ kiến và chuột sẽ “xơi” hết.
Mứt là biểu tượng của sự ngọt ngào trong ngày tết. Những ngày đó, đất nước còn nghèo nhưng người ta rất thương quý nhau. Có miếng ngon, đồ lạ cũng để dành tới tết hoặc quý mến ai đó lại đem đi biếu. Làm được vài ký mứt, gói ghém tỉ mỉ, chỉn chu rồi đem đi tặng. Khi ấy, người được tặng cũng cảm thấy ấm áp, được trân trọng, quan tâm.
Ngày tết về trên khay mứt nhựa nhỏ xinh như 5 cánh hoa nở rực rỡ giữa bàn phòng khách. 5 “cánh hoa” đựng được 5 món mứt khác nhau. Bà con trong làng kéo đến nhà nhau chúc tết, ngồi ở phòng khách, nhâm nhi mứt, cắn hạt dưa, ngắm nghía khay mứt xuýt xoa, trò chuyện rôm rả mà thấy đầm ấm, bình yên.
Bày mâm cơm đoàn tụ gia đình đầu năm, cả nhà tôi ngồi sum vầy bên nhau. Một dĩa gà luộc, một dĩa xôi, vài lát bánh tét xanh màu lá chuối… cũng đủ làm ấm lòng những người con xa xứ, nay mới có dịp về nhà. Trên mâm cơm ấy, không thể thiếu khay mứt nho nhỏ bên cạnh. Bọn trẻ chúng tôi trông chờ nhất điều gì vào những ngày đầu năm mới? Không phải những bộ quần áo mới thơm tho đắt đỏ hoặc tiền lì xì trong phong bao đỏ chót mà là được ăn những miếng mứt thơm thảo, ngọt ngào bởi mỗi năm chỉ có một lần được ăn thỏa thích bánh mứt như thế. Tranh thủ ăn cho đã thèm, để ra Giêng quay trở lại lớp học, lại thấp thỏm chờ đợi 1 năm nữa mới đến tết.
Thời gian trôi nhanh, tôi đã đón nhiều cái Tết trong đời, với nhiều ký ức tết khác nhau. Cuộc sống của tôi nay khá đủ đầy, tôi đủ tiền để mua sẵn bánh mứt bày bán ngoài chợ hay trong siêu thị. Vậy mà chẳng hiểu sao tôi vẫn nhớ hoài câu nói mộc mạc của mẹ: “Làm mứt để tết mới ăn”. Mấy ngày giáp tết, tôi thèm được mẹ gắp cho miếng mứt đang sên; thèm được bóc vỏ bánh oản, lấy tờ giấy bóng kính nhiều màu đưa lên mắt, nhìn ngắm đất trời lung linh.Tết xưa, sao mà nhớ quá!
Bài viết liên quan
Tết quê mình: Ngọt thơm món ‘thèo lèo’ của người miền Nam tiễn ông Táo về trời
Bên cạnh những món mặn thì người miền Nam không thể thiếu món “thèo lèo...
Th8
Dự Án Khởi Nghiệp Mứt Mận Hòa An
Với nguồn nguyên liệu được trồng theo hướng hữu cơ và chế biến bằng những bí quyết gia truyền,...
Th8
Kể chuyện làng: Củ kiệu ngày Tết
Dù ở bất cứ độ tuổi nào thì mong Xuân đợi Tết vẫn là tâm...
Th8
Sự tích củ kiệu
Ngày xửa ngày xưa, vào đời vua Hùng Vương, có một nàng công chúa rất...
Th8
Kiệu: Thực phẩm quen thuộc ngày Tết
Kiệu, loại cây có nguồn gốc từ Trung Quốc và lan xuống phía nam, đến...
Th8
Dưa mắm – Hương quê bình dị
Trong các món ăn của người Việt, có những món bình dân rẻ tiền, dễ...
Th8